Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Trận_sông_Dniepr

Công nhân Ukraina tại Stalino(nay là Donyesk) mít tinh mừng ngày giải phóng (8-9-1943)

Kết quả

Trận sông Dniepr trở thành một trong các trận đánh có tổng số thương vong cao nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tổng thương vong của cả hai bên được các chuyên gia lịch sử quân sự ước tính từ 1.700.000 người đến trên 2.200.000 người. Nếu như con số tổn thất về người của phía Liên Xô được đánh giá không khác biệt nhiều với 1.182.000 người theo David M. Glantz,[2], 1.276.435 (theo Krivosheev)[1] đến tối đa 1.500.000 người (theo phỏng đoán Nikolai Shefov)[42] thì số thương vong của quân đội Đức Quốc xã được ước tính với sai số rất lớn, từ trên 400.000 người đến khoảng hơn 1.000.000 người. Tuy nhiên, những tài liệu thống kê chưa đầy đủ về thương vong theo từng 10 ngày của từng tập đoàn quân và cụm tập đoàn quân của quân đội Đức Quốc xã tại mặt trận phía đông năm 1943 đã phản ánh phần nào tổn thất đó của quân đội Đức Quốc xã. Tổng số thương vong gồm 283.082 người chết và mất tích, 257.150 người bị thương (bao gồm cả thương vong của Tập đoàn quân 2 (Đức) tham gia ở cánh Bắc của chiến dịch;[3] 209.226 người bị bắt làm tù binh.[4] Tổng tổn thất về quân số của lục quân Đức Quốc xã là 749.458 người, chưa tính đến số thiệt hại của các đơn vị SS, không quân và các đơn vị Romania tham gia tại cánh cực Nam của Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Chiếm 59,96% tổng quân số tham gia chiến dịch.

Tính chất khốc liệt của toàn bộ các chiến dịch chỉ tập trung chủ yếu tại bốn khu vực: Poltava, Chernigov, Dniepropetrovsk và Kiev. Quân đội Liên Xô tổn thất khoảng 40% đến 48% tổng quân số tham gia chiến dịch. Trong đó, quân đội Liên Xô thiệt hại nặng nề nhất trong các cuộc vượt sông sang Kiev và các trận đánh trước cửa ngõ phía bắc Krivoy Rog; còn quân đội Đức Quốc xã thiệt hại nặng nhất trong cuộc phòng thủ Poltava và các cuộc phản kích không thành vào Kiev ở giai đoạn cuối chiến dịch.[2]

Ảnh hưởng

Sau hơn 3 tháng liên tục tấn công trên toàn cánh Nam mặt trận Xô-Đức dài hơn 1.400 km, quân đội Liên Xô đã tiến rất xa về phía tây thêm từ 300 đến 500 km, thu hồi một vùng đất đai rộng lớn gồm toàn bộ phần tả ngạn Ukraina và hai vùng quan trọng ở phía tây sông Dniepr tại xung quanh Kiev, khu vực Cherkassy, Znamenka, Pyatikhatka và Dniepropetrovsk rộng hơn nửa triệu km 2, tiếp tục đẩy quân đội Đức Quốc xã vào thế phòng ngự bị động. Hai đầu cầu chiến lược mà Quân đội Liên Xô chiếm được ở khu vực Kiev và Znamenka - Krivoy Rog sau này trở thành hai bàn đạp quan trong để các phương diện Ukraina 1 và 2 (Liên Xô) mở Chiến dịch Korsun-Shevchenko Hợp vây và đánh bại đại bộ phận Tập đoàn quân xe tăng 1 và Tập đoàn quân 8 (Đức), mở đường tiến ra chân núi Karpat, chia cắt Cụm tập đoàn quân Nam (Đức), tiếp cận biên giới vùng Balkan và tiến ra phía đông nam Ba Lan.

Đánh giá

Không chỉ tổn thất về binh lực, tổn thất quân sự - kinh tế nghiêm trọng nhất của quân đội Đức Quốc xã là đã để mất toàn bộ vùng công - nông nghiệp Donbas trù phú. Trong suốt hơn 2 năm chiếm đóng vùng này, đây là nơi cung cấp cho quân đội Đức Quốc xã than đá, quặng sắt, quặng kim loại màu, nhiều nguyên liệu quan trọng và một khối lượng lớn lượng thực, thực phẩm. Việc quân đội Liên Xô chiếm lại toàn bộ Donbas đồng nghĩa với sự phá sản của chiến lược "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của quân đội Đức Quốc xã tại mặt trận phía đông.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_sông_Dniepr http://books.google.com/books?id=33g3ujB6mAoC&dq=r... http://books.google.com/books?id=Zv9nAAAAMAAJ&dq=r... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec43.html http://ww2stats.com/pow_ger_okhzone43.html http://www.youtube.com/watch?v=h71sF-bE3UE&feature... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/A... http://militera.lib.ru/h/getman_al/05.html http://militera.lib.ru/h/gorshkov_sg/07.html http://militera.lib.ru/h/mellenthin/15.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/11.html